Khái niệm về thể loại opera. Khi định nghĩa về nghệ thuật opera có khá nhiều ý kiến khác nhau. Và mỗi người, mỗi nhạc sĩ lại có một cách cảm nhận.
Một cách khái quát và ngắn gọn thì opera được hiểu là nhạc kịch. Trong Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng của Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Thường, Đức Bằng có viết: “opera là ca kịch, nhạc kịch” [45 : 38]. Trong Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học TW nêu định nghĩa nhạc kịch là opera [40 : 680].
Thuật ngữ “nhạc kịch” thường được nhiều sách của nhiều tác giả mở ngoặc để chú giải thêm bên cạnh chữ opera hoặc ngược lại. Thí dụ, trong cuốn Âm nhạc Việt Nam – Tiến trình và thành tựu có viết “Sự ra đời của thể loại nhạc kịch (opera) cũng như các thể loại giao hưởng – thính phòng trong lĩnh vực nhạc đàn, trong giai đoạn 1954 – 1975 đánh dấu bước phát triển mới của nền âm nhạc mới Việt Nam.” [34 : 473].
Các giáo trình Lịch sử âm nhạc của Nhạc viện Hà Nội, một số trường đào tạo âm nhạc khác và nhiều sách chuyên ngành về âm nhạc đều dịch nghĩa của chữ opera là nhạc kịch. Cũng trong Âm nhạc Việt Nam – Tiến trình và thành tựu có viết: “nhạc kịch (được dịch từ chữ opera) là loại vở diễn âm nhạc trong nền âm nhạc cổ điển – bác học châu Âu”. [34 : 461]
Khái niệm opera là nhạc kịch tuy ngắn gọn nhưng cũng cho thấy đây là một loại hình nghệ thuật bao gồm cả âm nhạc và sân khấu. Tuy nhiên, khái niệm nhạc kịch chưa nói lên đầy đủ bản chất của nghệ thuật opera. Chúng tôi muốn đi vào tìm hiểu định nghĩa của opera.
Trong cuốn Nghệ thuật opera của PGS. Nguyễn Trung Kiên đã đưa ra khá nhiều cách định nghĩa về opera của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc thế giới như:
- Ý kiến của Arensky: “Opera là kết quả của sự phối hợp các hình thức thanh nhạc với hành động sân khấu”
- Ý kiến của I.Vainkôp: “Opera là tác phẩm nhạc kịch (đôi khi đưa vào cả các màn múa ballet), dùng cho sân khấu biểu diển, lời của vở hoàn toàn hoặc một phần được thực hiện bằng nghệ thuật hát, thường với phần đệm của dàn nhạc”
- Ý kiến của nghệ sĩ opera Nga F. I. Saliapin: “Tôi yêu nhất opera, tôi quý trọng nó là vì opera phối hợp các hình thức nghệ thuật với nhau một cách hài hòa, nhịp nhàng như: âm nhạc, thơ ca, hội họa, điêu khắc, kiến trúc…”
Trong sách The Development of Western music, a history – Sự phát triển của lịch sử âm nhạc phương Tây có đoạn viết về opera: “Opera is drama presented musically, with all or most of the text being sung and with appropriate instrumental music, as required by the plot or for accompaniment. It is a combined – art form, an amalgamation of various aspects of art (scenery, costumes), literature (poetic or prose lines of plot), theatre (acting and dance), with vocal and instrumantal music”. [4 : 249]. Có thể dịch nghĩa như sau: Opera là kịch được biểu hiện bằng âm nhạc, với tất cả hoặc hầu hết là hát và có sự tham gia của khí nhạc. Đó là nghệ thuật tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như hội họa (trang trí, trang phục), văn học (thơ ca hoặc văn xuôi), sân khấu (diễn xuất và nhảy múa), với phần hát và khí nhạc.
Trong cuốn Giảng nhạc, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung cũng đưa khái niệm về opera: “Trong opera là sự kết hợp của âm nhạc (thanh nhạc và khí nhạc) với thơ ca và hành động kịch, nghệ thuật thể hiện bằng điệu bộ, nét mặt và nghệ thuật múa, hội họa, kiến trúc dưới hình thức trình bày trang trí và hiệu quả của ánh sáng. Tất cả được kết hợp với nhau dưới vai trò dẫn dắt chủ đạo của âm nhạc.” [36 : 47]
Như vậy, dù ngắn gọn hay chi tiết, tất cả các khái niệm về opera đều thống nhất với nhau ở một điểm: opera là tác phẩm nghệ thuật tổng hợp. Trong opera có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau:
Âm nhạc: bao gồm cả thanh nhạc và khí nhạc
Sân khấu: kịch bản, diễn xuất, hóa trang và ánh sáng. Văn chương: thơ ca hoặc văn xuôi
Múa
Hội họa trang trí
Các loại hình nghệ thuật kể trên hỗ trợ và gắn bó với nhau một cách khăng khít để tạo thành một chỉnh thể thống nhất là opera. Tuy nhiên, trong opera có hai loại hình nghệ thuật giữ vai trò chủ yếu là âm nhạc và sân khấu. Thậm chí, có khá nhiều ý kiến cho rằng âm nhạc giữ vai trò chính. Trong giáo trình Lịch sử âm nhạc thế giới tập I của Nhạc viện Hà Nội do Nguyễn Xinh biên soạn có đoạn viết: “Nhạc kịch – một thể loại tổng hợp của nhạc, thơ và sân khấu kịch (dĩ nhiên trong đó âm nhạc đóng vai trò thống soái)…”. Đặc biệt, vai trò của thanh nhạc có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong nghệ thuật này, “xưa kia cũng như ngày nay, giọng hát của con người với các màu sắc phong phú, âm điệu chân tình, tính chất mềm mại, uyển chuyển không gì sánh được… luôn là linh hồn của opera”