Thông qua những tổng hợp, nghiên cứu, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt khá lớn giữa tác phẩm guitar trong nước và quốc tế. Đa phần, tác phẩm thế giới được sáng tác bởi các nhạc sĩ đã qua đào tạo chuyên ngành sáng tác một cách bài bản, chuyên sâu, họ cũng chính là các nghệ sĩ guitar cổ điển nổi tiếng. Chính vì vậy, sản phẩm âm nhạc được sáng tác vừa mang phong cách viết chuyên nghiệp, cấu trúc thống nhất, chặt chẽ, vừa có được sự khai thác tốt về tính năng nhạc cụ.
Còn tại Việt Nam, trải qua năm tháng chiến tranh, các nghệ sĩ guitar đến với cây đàn đa phần là xuất phát từ tình yêu mạnh mẽ, tự học, tự vượt lên chính mình để cống hiến cho sự phát triển của cây đàn. Do chưa qua trường lớp đào tạo về chuyên ngành sáng tác chuyên nghiệp nên đa phần tác phẩm là chuyển soạn, mảng sáng tác có số lượng rất ít. Đặc điểm này dẫn đến việc bị giới hạn về phạm vi, cấu trúc tác phẩm, và sự đa dạng trong ứng dụng các tính năng nhạc cụ. Tuy nhiên, ở góc độ sáng tạo, các nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam cũng đã đưa ra được những cách thể hiện độc đáo, hiếm thấy trong kho tàng tác phẩm thế giới, để có thể tiến đến xây dựng phong cách guitar cổ điển Việt Nam, thì đây là các yếu tố cần được nghiên cứu sâu, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tinh xảo và phổ biến hơn. Từ việc so sánh thực trạng tác phẩm guitar Việt Nam với thế giới, phần nào có được sự nhìn nhận khách quan, chân thực về quá trình hình thành của guitar Việt Nam, thấy rõ được điểm trội cũng như các điểm yếu để có thể hoạch định được các giải pháp mang tính toàn diện.
Mỗi quốc gia đều có những bản sắc âm nhạc riêng, để thể hiện thành công tác phẩm guitar Việt Nam, người nghệ sĩ phải hiểu về âm nhạc Việt Nam, hiểu tác phẩm. Âm nhạc Việt Nam rất phong phú, đa dạng, mỗi câu hát, mỗi làn điệu đều có màu sắc âm nhạc riêng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải thấm nhuần âm nhạc, làn điệu, mới thể hiện ra “chất” của tác phẩm.
Khi thể hiện một tác phẩm guitar nước ngoài, cùng với kỹ thuật, người nghệ sĩ cần hiểu được tính chất âm nhạc, hình tượng nghệ thuật, thể loại âm nhạc của tác phẩm. Đối với tác phẩm guitar Việt Nam, là người Việt, chúng ta còn thuận lợi hơn để hiểu rõ về lời ca từ các ca khúc được chuyển soạn, hay làn điệu gốc của một bài dân ca trong tác phẩm guitar Việt Nam. Do vậy, nghệ sĩ biểu diễn nên tận dụng triệt để ưu thế này, để nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, tính năng nhạc cụ cũng như các kỹ thuật guitar cổ điển với những cảm xúc hình ảnh âm nhạc của tác phẩm gốc, để có sự thể hiện đặc sắc âm nhạc Việt Nam trên cây đàn guitar.
Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận án đã tiến hành theo các bước:
- Nghiên cứu khái quát nghệ thuật đàn guitar trên thế giới, tập trung vào: thể loại, hòa âm, tiết tấu, kỹ thuật xử lý tác phẩm, để học hỏi những tinh hoa, đặc sắc trong sáng tác, chuyển soạn, cách thể hiện âm nhạc đàn guitar, có cái nhìn tổng quát, soi rọi vào nghệ thuật guitar Việt Nam, thấy được những ưu thế, những điểm còn yếu và có những giải pháp góp phần hoàn thiện, phát triển nghệ thuật guitar của Việt Nam
- Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đưa ra những tiêu chí trong chuyển soạn các tác phẩm guitar Việt
- Dựa trên những kiến thức nghiên cứu về âm nhạc thế giới, âm nhạc Việt Nam, tác giả luận án đã nghiên cứu, ứng dụng, để chuyển soạn tác phẩm Giai điệu quê hương, dựa trên chủ đề âm nhạc lấy từ bài Dạ cổ hoài lang, một sáng tác bất hủ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
- Nghiên cứu những vấn đề trong cách thể hiện nghệ thuật các tác phẩm guitar Việt Nam: cảm xúc hình ảnh nghệ thuật trong tác phẩm, một số đặc điểm về cách diễn tấu thang âm, điệu thức, hoà thanh, thể hiện tiết tấu, tiết nhịp, thể hiện luyến, nhấn, láy trong tác phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả thể hiện tác phẩm.
Luận án tập trung nghiên cứu những vấn đề thiết thực, cụ thể, đóng góp, giúp cho những nhạc sĩ sáng tác, chuyển soạn cho đàn guitar, các học sinh, sinh viên, nghệ sĩ guitar chuyên nghiệp, những kiến thức hữu ích trong chuyển soạn, sáng tác, trong học tâp và thể hiện âm nhạc Việt Nam trên cây đàn guitar, góp phần vào quá trình phát triển và khẳng định vị trí của âm nhạc guitar Việt Nam với thế giới.